Tổng quan Loài xâm lấn

Những loài động vật xâm lấn đang lây lan ở nhiều nơi trên thế giới với tốc độ chóng mặt do giao thương giữa các nước ngày càng mở rộng, điều kiện để các loài ngoại lai nhập cảnh càng dễ dàng hơn bằng con đường chính ngạch hoặc buôn lậu. Ban đầu, các loài sinh vật lạ trên thường được nhập với mục đích phát triển kinh tế (tăng thu nhập, xóa đói, giảm nghèo), thú vui, làm cảnh nhưng cũng có thể là hành động có chủ ý. Thích nghi nhanh với môi trường các quốc gia mà chúng xâm nhập, các loài ngoại lai sẽ phát triển mạnh. Điều nguy hiểm là chúng thường không có kẻ thù thông thường so với các loài bản địa, vì thế dễ dàng trở thành kẻ xâm lấn. Tác hại của chúng không thể kiểm soát được và gây ra thiệt hại khi chúng thoát vào môi trường. Không chỉ tác động xấu đến môi trường, sinh vật ngoại lai còn là sát thủ của nhiều loài động thực vật quý hiếm. Các sinh vật ngoại lai là một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với động thực vật bản địa.

Các loài ngoại lai xâm hại lấn chiếm nơi sinh sống hoặc gây hại đối với các loài sinh vật bản địa, làm mất cân bằng sinh thái tại nơi chúng xuất hiện và phát triển. Chúng có thể gây hại đến các loài bản địa thông qua cạnh tranh nguồn thức ăn chẳng hạn như đối với động vật hay ngăn cản khả năng gieo giống, tái sinh tự nhiên của các loài bản địa đối với thực vật do khả năng phát triển nhanh, mật độ dày đặc. Chúng có khả năng cạnh tranh tiêu diệt dần loài bản địa, làm suy thoái hoặc thay đổi, tiến tới tiêu diệt luôn cả loài bản địa.[2] Tác động mà các loài sinh vật xâm hại gây ra đối với môi trường sống rất đa dạng nhưng có thể gộp chung thành 4 nhóm là:

  • Chúng cạnh tranh với các loài bản địa về thức ăn, nơi sinh sống, đẩy các loài bản địa vào con đường diệt vong.
  • Ăn thịt các loài khác đặc biệt là các loài bản địa chưa bao giờ được tiếp xúc với chúng nên không hề biết chiến lược săn mồi của chúng.
  • Phá huỷ hoặc làm thoái hoá môi trường sống bản địa, phá hoại mùa màng.
  • Truyền bệnh và ký sinh trùng cho các loài bản địa cũng như cư dân địa phương.

Những loài ngoại lai xâm lấn hiện là mối đe dọa thứ hai đối với đa dạng sinh học Trái đất, sau nguyên nhân nơi sinh sống bị hủy hoại. Chúng tác động tiêu cực đến hệ động thực vật bản địa, gây hại môi trường và làm thiệt hại kinh tế địa phương. Số liệu năm 2009 của Cơ quan Môi trường châu Âu cho biết chi phí cho những thiệt hại và kiểm soát những loài ngoại lai ở Mỹ dự đoán lên đến 80 tỉ euro/ năm, ở châu Âu là hơn 10 tỉ euro/năm. Một số loài bản địa trở nên khan hiếm do khả năng cạnh tranh thức ăn và nơi ở kém hơn các loài nhập nội, một số loài bản địa, chẳng hạn cá trê đã có biểu hiện bị lai tạp. Một vài loài sinh vật lạ xâm hại đã sinh sôi trên diện rộng, đến mức không thể tiêu diệt chúng triệt để, mà chỉ có thể kiểm soát và hạn chế phần nào. Sự xâm nhập của các sinh vật lạ, nhất là những loài mới xâm nhập còn ở mức độ chưa lớn, nhưng đang tiềm ẩn nguy cơ phát triển gây ảnh hưởng trực tiếp cho sản xuất nông nghiệp.

Các tác động mà loại sinh vật này gây ra rất phức tạp. Ví dụ như trường hợp của cá rô sông Nile (Lates niloticus). Sau khi được du nhập vào hồ Victoria (Châu Phi) năm 1954 nhằm phục hồi sản lượng cá đang suy giảm trong hồ do đánh bắt quá mức, loài cá này đã gây ra sự tuyệt chủng cho hơn 200 loài cá bản địa khác trong hồ do cạnh tranh và ăn thịt các loài cá đó. Do thịt của cá vược sông Nile có nhiều mỡ hơn các loại cá bản địa, cư dân ở hồ đã phải chặt nhiều củi hơn để sấy cá dẫn đến hiện tượng phá rừng nghiêm trọng. Đến lượt mình, việc này gây ra sự xói mòn và rửa trôi đất trong vùng lưu vực làm tăng hàm lượng chất dinh dưỡng trong hồ tạo điều kiện cho sự phát triển của tảo và bèo Nhật Bản (Eichhornia crassipes). Sự bùng nổ của các loài thực vật này làm giảm lượng oxy trong hồ và làm chết nhiều cá hơn. Ngoài ra việc khai thác mang tính thương mại loài cá này đã làm làm cư dân ở đây mất đi nghề đánh bắt và chế biến cá truyền thống của mình. Lợi nhuận thu được từ cá vược sông Nile chỉ rơi vào túi một số người trong khi đó cư dân và môi trường ở đây hầu như không những không có lợi mà còn nghèo đói hơn.

Các loài ngoại lai xâm hại góp phần làm xuất hiện các bệnh dịch mới hoặc tái xuất hiện các bệnh dịch cũ ảnh hưởng đến sức khoẻ của con người. Sốt rét là một bệnh dịch nguy hiểm được truyền qua véc tơ truyền bệnh là muỗi Anophele. Năm 1930, loài muỗi Anopheles gambiae được du nhập một cách vô tình vào vùng tây bắc Brasil theo các đoàn tàu biển đến từ Châu Phi. Chưa đến một năm sau, trong một diện tích khoảng 6 dặm vuông với số dân khoảng 12.000 người đã xuất hiện 10.000 ca nhiễm bệnh sốt rét. Vào cuối những thập niên 30, người ta đã phải tốn hàng triệu USD và hàng nghìn nhân công để tiêu diệt muỗi Anopheles gambiae tại vùng này.

Hiện nay, thế giới đã công bố danh sách 100 loài xâm hại mạnh nhất thế giới trong Global Invasive Species Database do nhóm chuyên gia về các loài xâm thực của IUCN đưa ra.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Loài xâm lấn http://vnexpress.net/tin-tuc/khoa-hoc/chuyen-la/oc... http://vnexpress.net/tin-tuc/khoa-hoc/huan-luyen-c... http://www.nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/22686... http://m.nld.com.vn/khoa-hoc/nuoi-bo-sat-doc--la-t... http://www.ngheandost.gov.vn/news/ar12780_Sinh_vat... http://www.cpv.org.vn/cpv/Modules/News/NewsDetail.... http://suckhoedoisong.vn/ban-can-biet-ve-y-hoc/moi... http://thuvienphapluat.vn/archive/Thong-tu-22-2011... http://thvl.vn/?p=160677 http://thvl.vn/?p=16298